
Giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân 02 cấp được thực hiện như thế nào?
Luật sư cho tôi hỏi: Trong trường hợp khuyết vị trí Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cấp xã, cơ chế giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân được thực hiện theo trình tự ra sao? Người được giao quyền sẽ thực hiện nhiệm vụ trong thời gian bao lâu và đến khi nào việc giao quyền chấm dứt hiệu lực?
MỤC LỤC
1. Ủy ban nhân dân ở cấp chính quyền địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu là cơ quan gì?
2. Giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân 02 cấp được thực hiện như thế nào?
Trả lời:
1. Ủy ban nhân dân ở cấp chính quyền địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu là cơ quan gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 114 Hiến pháp năm 2013 và khoản 1 Điều 6 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (Luật số: 72/2025/QH15) có hiệu lực từ ngày 16/6/2025 quy định như sau:
“Điều 114.
1. Ủy ban nhân dân ở cấp chính quyền địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.”
và
“Điều 6. Ủy ban nhân dân
1. Ủy ban nhân dân ở cấp chính quyền địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật và nghị quyết của Hội đồng nhân dân ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương, Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.”
Theo đó, Ủy ban nhân dân hai cấp (cấp tỉnh và cấp xã) là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, đồng thời là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân cùng cấp, được thành lập thông qua việc bầu cử bởi Hội đồng nhân dân.
Ủy ban nhân dân có trách nhiệm tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật và nghị quyết của Hội đồng nhân dân, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước tại địa phương và chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương, Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.
Với vị trí là cầu nối giữa quyền lực nhà nước trung ương và địa phương, Ủy ban nhân dân vừa bảo đảm sự thống nhất trong quản lý hành chính nhà nước, vừa thể hiện tính chủ động, linh hoạt trong điều hành các vấn đề kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh tại địa bàn quản lý.
Đồng thời, cơ quan này chịu trách nhiệm kép khi vừa trước Hội đồng nhân dân – đại diện cho Nhân dân địa phương, vừa trước cơ quan hành chính cấp trên, qua đó phản ánh rõ nguyên tắc kết hợp giữa tính dân chủ đại diện và tính điều hành hành chính thống nhất, góp phần bảo đảm hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước ở cấp cơ sở.
2. Giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân 02 cấp được thực hiện như thế nào?
Căn cứ theo Điều 42 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (Luật số: 72/2025/QH15) có hiệu lực từ ngày 16/6/2025 quy định như sau:
“Điều 42. Giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân
Trong thời gian khuyết Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp; Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp. Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân chấm dứt việc thực hiện nhiệm vụ kể từ ngày Hội đồng nhân dân bầu ra Chủ tịch Ủy ban nhân dân.”
Theo đó, việc giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân trong trường hợp khuyết chức danh này được pháp luật quy định chặt chẽ về thẩm quyền và trình tự thực hiện, bảo đảm cho bộ máy chính quyền địa phương hoạt động liên tục, ổn định và hiệu quả. Cụ thể:
- Khi vị trí Chủ tịch Ủy ban nhân dân bị khuyết, Thường trực Hội đồng nhân dân là chủ thể có trách nhiệm chủ động đề xuất việc giao quyền. Ở cấp tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; ở cấp xã, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định;
- Người được giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân sẽ đảm nhận vai trò điều hành tạm thời, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cho đến khi Hội đồng nhân dân tiến hành bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân mới theo đúng quy định pháp luật.
Quy định này vừa đáp ứng yêu cầu quản lý hành chính liên tục, không để xảy ra khoảng trống quyền lực ở chính quyền địa phương, vừa tôn trọng quy trình bầu cử dân chủ và thẩm quyền của Hội đồng nhân dân - cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương.
Như vậy, cơ chế giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân được thiết kế khoa học, bảo đảm tính pháp lý, tính chủ động của hệ thống chính trị ở địa phương, đồng thời duy trì nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước ở địa phương theo đúng tinh thần Hiến pháp và pháp luật hiện hành.
Trân trọng./.