Tổng sản phẩm trong nước là gì? Tổng sản phẩm trên địa bàn là gì? Quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thực hiện theo các bước nào?

Tổng sản phẩm trong nước là gì? Tổng sản phẩm trên địa bàn là gì? Quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thực hiện theo các bước nào?

Tổng sản phẩm trong nước là gì? Tổng sản phẩm trên địa bàn là gì? Quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thực hiện theo các bước nào?

Luật sư cho tôi hỏi: Tôi nghe nói đến tổng sản phẩm trong nước và tổng sản phẩm trên địa bàn là các chỉ tiêu thống kê quan trọng liên quan đến hàng hoá, dịch vụ được tiêu dùng, sử dụng nhưng vẫn chưa hiểu rõ các khái niệm này và quy trình biên soạn hai loại chỉ tiêu trên được thực hiện ra sao. Vậy, thưa Luật sư, theo quy định của pháp luật hiện hành, tổng sản phẩm trong nước là gì? Tổng sản phẩm trên địa bàn là gì? Quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thực hiện theo các bước nào?

MỤC LỤC

1. Tổng sản phẩm trong nước là gì?

2. Tổng sản phẩm trên địa bàn là gì?

3. Quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thực hiện theo các bước nào?

 

Trả lời:

1. Tổng sản phẩm trong nước là gì?  

Căn cứ chỉ tiêu thống kê 0501 thuộc Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 94/2022/NĐ-CP ngày 07/11/2022 của Chính phủ về việc Quy định Nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là “Nghị định số 94/2022/NĐ-CP”), tổng sản phẩm trong nước (sau đây gọi tắt là “GDP” – Gross Domestic Product) được định nghĩa như sau:

“0501. Tổng sản phẩm trong nước (GDP)

1. Khái niệm, phương pháp tính

Tổng sản phẩm trong nước là giá trị sản phẩm vật chất và dịch vụ cuối cùng được tạo ra của nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định. Điều này có nghĩa trong GDP không tính các giá trị sản phẩm vật chất và dịch vụ đã sử dụng ở các khâu trung gian trong quá trình sản xuất tạo ra sản phẩm. GDP biểu thị kết quả sản xuất do các đơn vị thường trú tạo ra trong lãnh thổ kinh tế của một quốc gia.

Nội dung tổng quát của GDP được xét dưới các góc độ khác nhau:

- Xét dưới góc độ sử dụng (chi tiêu): GDP là tổng cầu của nền kinh tế gồm tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư, tiêu dùng cuối cùng của Nhà nước, tích lũy tài sản và chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ.

- Xét dưới góc độ thu nhập: GDP gồm thu nhập của người lao động từ sản xuất, thuế sản xuất, khấu hao tài sản cố định dùng cho sản xuất và giá trị thặng dư sản xuất trong kỳ.

- Xét dưới góc độ sản xuất: GDP bằng giá trị sản xuất trừ chi phí trung gian.

...

Theo đó, GDP trước tiên được hiểu là giá trị của các sản phẩm vật chất và dịch vụ được tạo ra trong nền kinh tế. Tuy nhiên, giá trị này chỉ tính ở khâu cuối cùng khi sản phẩm, dịch vụ được tiêu thụ, sử dụng mà không tính ở các khâu trung gian. Đồng thời, tính toán tổng sản phẩm trong nước phải đặt trong một phạm vi khoảng thời gian nhất định, có thể là 1 quý, 6 tháng hoặc 1 năm…

Vậy, GDP đánh giá thực trạng của nền kinh tế thông qua những con số nhất định. Từ đó, cho phép nhận biết nền kinh tế đang trong tình trạng dư thừa hay thiếu hụt. Làm cơ sở thực hiện các biện pháp thúc đẩy hay kiềm chế hoặc loại bỏ các mối đe doạ lạm phát, suy thoái đang hiện hữu hoặc có thể xảy ra trong tương lai.

2. Tổng sản phẩm trên địa bàn là gì?

Căn cứ chỉ tiêu thống kê T0501 thuộc Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định số 05/2023/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã định nghĩa tổng sản phẩm trên địa bàn (sau đây gọi tắt là “GRDP” – Gross Regional Domestic Product) như sau:

T0501. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)

1. Khái niệm, phương pháp tính

Tổng sản phẩm trên địa bàn là giá trị sản phẩm vật chất và dịch vụ cuối cùng được tạo ra trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong một khoảng thời gian nhất định. Điều này có nghĩa trong GRDP không tính các giá trị sản phẩm vật chất và dịch vụ đã sử dụng ở các khâu trung gian trong quá trình sản xuất tạo ra sản phẩm. GRDP biểu thị kết quả sản xuất do các đơn vị thường trú tạo ra trong lãnh thổ kinh tế của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

…”

Như định nghĩa trên, GRDP là giá trị sản phẩm vật chất và dịch vụ được tạo ra cuối cùng mà không tính ở các khâu trung gian trong quá trình sản xuất tạo ra sản phẩm. Đồng thời, việc tính toán GRDP chỉ được giới hạn trong phạm vi địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và phải trong một khoảng thời gian cụ thể.

Mục đích của chỉ tiêu thống kê này là nhằm phản ánh kết quả sản xuất, thực trạng tình hình kinh tế tại phạm vi địa bàn cấp tỉnh. Từ đó, làm cơ sở so sánh, đánh giá giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, so sánh tương quan với tổng sản phẩm trong nước và các hoạt động khác.

3. Quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thực hiện theo các bước nào?

Quy trình biên soạn chỉ tiêu GDP, GRDP được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 3 Nghị định số 94/2022/NĐ-CP:

Điều 3. Quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Quy trình biên soạn chỉ tiêu GDP, GRDP gồm 6 bước như sau:

1. Thu thập thông tin đầu vào phục vụ biên soạn GDP, GRDP.

2. Tính các chỉ tiêu phục vụ biên soạn GDP, GRDP.

3. Biên soạn số liệu GDP, GRDP.

4. Rà soát, đánh giá lại GDP, GRDP.

5. Công bố, phổ biến số liệu GDP, GRDP.

6. Lưu trữ số liệu GDP, GRDP.

Bên cạnh đó, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức trong quy trình biên soạn chỉ tiêu GDP, GRDP được quy định tại điểm a khoản 6 Điều 17 Luật Thống kê 2015 được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê 2021 như sau:

“Điều 17. Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia

6. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với bộ, ngành và địa phương thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

a) Xây dựng, trình Chính phủ ban hành nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

…”

* Lưu ý: Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính được hợp nhất thành Bộ Tài chính (căn cứ Mục 2.3 Phần II Kết luận số 121-KL/TW ngày 24/01/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về Tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và khoản 6 Điều 1 Nghị quyết số 176/2025/QH15 ngày 18/02/2025 của Quốc hội về Cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV).

Theo các quy định trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính là chủ thể có nhiệm vụ phối hợp với bộ, ngành và địa phương trong xây dựng quy trình biên soạn chỉ tiêu GDP, GRDP để trình Chính phủ ban hành.

Hiện nay, quy trình biên soạn chỉ tiêu GDP, GRDP gồm 6 bước:

- Bước 1: Thu thập thông tin đầu vào phục vụ biên soạn của Bộ Tài chính thông qua các hình thức trực tiếp hoặc tiếp nhận, tổng hợp thông tin từ các cơ quan, tổ chức liên quan;

- Bước 2: Tính các chỉ tiêu phục vụ biên soạn ở phạm vi cả nước và phạm vi vùng, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Bước 3: Biên soạn số liệu giá hiện hành, giá so sánh; kiểm tra tính logic, tương thích giữa các số liệu;

- Bước 4: Rà soát định kỳ hằng năm và rà soát, đánh giá lại định kỳ 5 năm;

- Bước 5: Công bố, phổ biến số liệu theo lộ trình thời gian đã định;

- Bước 6: Lưu trữ dữ liệu tập trung, đảm bảo yêu cầu số hoá.

Đây là quy trình 6 bước tương đối chặt chẽ từ khâu thu thập thông tin đến lưu trữ dữ liệu sau cùng. Đảm bảo cho việc biên soạn chỉ tiêu GDP, GRDP có sự phối hợp, hỗ trợ từ các bên liên quan và được rà soát, đánh giá lại từ cơ quan có thẩm quyền.

Trân trọng./.

Góp ý